_Bình tinh chét |
Bình tinh chét
Nhiều người cứ vẫn lầm lẫn củ bình tinh chét với củ bình tinh. Củ bình tinh chét chỉ bé tí xíu bằng ngón tay cái (có khi nhỏ hơn), vỏ rất mỏng. Luộc lên ăn dẻo và thơm. Trong khi củ bình tinh thường phải dài hơn 10cm, thường hơi cong hình lưỡi liềm, vỏ có các lóp vảy xếp lớp, cũng thường được luộc để ăn và cũng để làm bột. Nhưng bột bình tinh có giá trị thấp hơn nhiều so với bột bình tinh chét.
Ngày xưa những dịp hè về thăm quê nội ở Quảng Trị, mệ tôi thường hay nấu chè bông cau với bột bình tinh chét cho tôi ăn. Mệ cũng thường gửi vào Đà Nẵng cho mạ mấy kí bột khô để làm bánh.
Bánh bông lan làm bằng bột bình tinh chét này thì thật tuyệt, cứ gọi là tan vào miệng, với cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái làm sao!
Thế mới biết cái hay của người xưa, học cách làm bánh bông lan của Pháp, nhưng không làm bằng bột mì mà lại làm bằng loại bột riêng của xứ mình.
Nếu cứ thử nhâm nhi hai cái bánh làm từ hai loại bột: bột mì và bột bình tinh chét. Thì bánh làm từ bột bình tinh chét đáng gọi là thượng thặng.
Cây bình tinh chét thấp khoảng 30 đên 40 cm, lá lòa xòa. Vò nhẹ chiếc lá thấy mùi thơm thật dễ chịu.
Chiến tranh liên miên..Mọi người đi tản cư quen ăn bột mì viện trợ. Chẳng có ai có thời gian để ngồi tỉ mỉ làm bột bình tinh chét nữa!
Lớp trẻ lớn lên với nhiều thức ăn mới, với nhiều nguyên liệu mới và kiểu chế biến mới....
Con tôi chẳng còn may mắn như tôi để có thể thưởng thức món bánh bông lan, bánh thuẩn từ bột bình tinh chét. Cũng như chỉ có thể ăn chè bông cau với loại bột sắn thường ( bột củ mì ) hoặc nữa là bột năng, tốt ắm thì nấu vơi bột sắn dây.
Mà nấu chè bông cau với bột sắn thường thì chất lượng kém xa, để lâu ăn rất dở vì không còn độ dẻo, độ mềm cấn thiết.
May bây giờ có cái tủ lạnh vớt vát phần nào!
Hiện tại ở vùng La vang, Quảng Trị hoặc một số nơi ở Quảng Bình, người dân vãn giữ thói quen trồng bình tinh chét lấy bột. Tuy nhiên diện tích trồng thu hẹp dần: vì sản lượng thấp mà người tiêu dùng lại ít biết đúng giá trị của nó!
Người ta chỉ trồng đủ dùng hoặc biếu bà con để làm bánh ngày Tết, hoặc để pha uống khi người yếu mệt bức bối như là một thực phẩm giải nhiệt
Lớn lên, có điều kiện học hành,khi nghiên cứu tôi mới biết bình tinh chét là một loài nghệ! Tên khoa học của nó là Curcuma pierreana Gagnep. Mùi thơm dễ chịu có trong lá là do trong tinh dầu lá bình tinh chét có chứa bornyl acetat. Còn các củ tròn phía tên đầu mút rễ của loài nghệ này chính là củ bình tinh chét của bà nội tôi.
Để làm ra thức bột ấy thực công kỹ làm sao. Mong sao chúng ta giữ gìn được các loại thực phẩm chức năng mà ông bà đã bỏ nhiều công sức, kinh nghiệm mới đúc rút được
.

Ngoài loài nghệ vừa nói trên, có ở Huế và Quảng Bình, thân phát triển trước, sau đó hoa mọc giữa thân có lá. Cũng còn có một loài nghệ khác, cũng gọi là bình tinh chét, có ở La Vang, Quảng Trị và cũng tìm thấy ở Phú Yên.
Người dân Quảng Trị lấy bột như tôi vừa nói. Còn ở Phú Yên, người ta lấy búp hoa để nấu canh
Đây là hoa của nó
Hoa ra trước, sau đó mới ra lá
Đây là củ bình tinh chét
Một vài hình ảnh minh họa...Hẹn khi khác BN sẽ giới thiệu một loài nghệ khác nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét